Sai lầm SEO phần IV: Sử dụng công cụ SEO

Có hai thái cực theo tôi là sai lầm trong SEO, là không dùng công cụ, hoặc lệ thuộc, tin tưởng mù quáng vào công cụ. Tôi sẽ viết về chủ đề này bằng một vài ví dụ thực tế mà tôi hoặc những người đã cùng cộng tác với tôi từng mắc phải.

Bạn biết Google webmaster tool và Bing Webmaster Tool không? Vế đầu nhiều người biết và quan tâm, vế thứ hai thì có lẽ ít hơn. Nhưng không sao, cái chính mà tôi nói với bạn là đây chính là công cụ quan trọng trong mảng SEO. Ơ thế nhưng mà có rất nhiều người từng làm việc với tôi – những SEOs,  không chú ý đến việc phải sử dụng tốt hai ông này để làm việc mà tôi từng nhắc đến trong phần Sai lầm SEO thứ nhất. Hậu quả thì bạn biết rồi đấy, không nhỏ chút nào, mà chắc tôi không cần phải viết ra đây nữa. 
Công cụ SEO không thay bạn làm được mọi thứ
Công cụ SEO không phải là tất cả

Có một lần tôi hỏi: “Em xem mức độ thay đổi của từ khóa trong Webmaster Tool nó báo thế nào, làm cho anh cái báo cáo”. Bạn nữ nhân viên đáp lại: “Xem ở đâu hả anh?”. Thú thực là tí nữa thì ngã…  ngồi. Tôi điên lắm, làm ầm lên, và vác các bạn ấy ra tế một trận dài như cả ngàn thế kỉ. Giờ nghĩ lại thì có lẽ vì bản thân tôi ngày đó không hướng dẫn kỹ thành thử các bạn ấy quên mất rằng, công cụ quản trị rất rất quan trọng trong việc làm phân tích SEO. Lời khuyên chân thành của tôi: bỏ thời gian và tìm cách hiểu, sử dụng tốt các công cụ quản trị website sẽ mang đến lợi thế cho bạn. Nhiều người biết điều này, nhưng không mấy người thực sự hiểu kỹ được vấn đề. Cùng ở vấn đề này, tôi từng phỏng vấn khá nhiều những ứng viên cho vị trí SEOs, và khoảng hơn 70% trong số những người có 1 năm kinh nghiệm và hơn 50% những người có 2 năm kinh nghiệm trở lên đều mù mờ về cái khoản này. Họ chỉ dùng công cụ quản trị như một thứ để xem về tỉ lệ index, một chút về thứ hạng từ khóa (thực ra họ còn chẳng buồn xem vì họ dùng công cụ khác để đo thứ hạng từ khóa mà họ quan tâm).  Về hai ông công cụ trên, cũng như các công cụ khác tôi sẽ viết những điều tôi cảm giác thú vị nhất khi dùng trong một bài khác.

Bản thân tôi ngày xưa cũng rất ít dùng công cụ SEO ngoại trừ hai ông lớn tôi nói trên, thêm một đồng chí nữa là Alexa Dashboard. Tôi tự tin lắm, cho rằng mình chỉ cần thế thôi, cho đến một ngày, tôi nghe về DA và PA. Hai thằng đó là cái gì nhỉ? Lọ mọ tìm kiếm, và cuối cùng cũng hiểu ra nó là cái gì. Lại thêm nghe rất nhiều những chiến hữu chém về các công cụ này kia trên các diễn đàn, tôi nhận ra rằng, mình thật là cổ hủ, sắp thành cổ lỗ nhân sĩ mất rồi. Và tôi quyết tâm phải cập  nhật thêm nhiều hơn các công cụ có ích cho công việc của mình.

Ở một thái cực còn lại, bản thân tôi và không ít người tôi từng làm việc cùng hoặc chứng kiến quá lệ thuộc và tin tưởng mù quáng vào các công cụ phân tích. Đầu tiên là bản thân tôi, trong một lần tôi phân tích các liên kết đến website khách hàng mà tôi đang quản lý. Tôi sử dụng một anh chàng khá mạnh, anh này tên là Ahrefs, cái tên lừng lẫy trong việc phân tích backlinks. Các thống kê của anh ta cho tôi thấy rất nhiều các liên kết chết đến từ một domain. Kết hợp với Google Webmaster Tool, sử dụng liên kết đến để tracking thêm, tôi mò vào domain kia. Ồ nó chết thật. Thế thì ta phải làm gì? Từ chối liên kết thôi chứ làm gì bây giờ. Cho nên cứ hai anh báo thằng nào chết là tôi làm thịt tắp lự. Phù, may mà có các anh không thì mệt. Chuyện cũng chẳng có gì, cho đến một ngày tôi phân tích website đối thủ, họ sử dụng các liên kết đến từ vài domain mà tôi cảm giác quen quen. Nhảy vào domain đó ngó nghiêng, rồi lật trở lại những ghi chép domain. Ơ hay, mình từ chối mấy thằng này rồi cơ mà. Hỏng, hóa ra cái domain đó vào thời điểm mà các công cụ đo lường, nó không hoạt động do web server down, mình thì lại không để ý… Từ lần đó tôi rút kinh nghiệm, với mỗi tên miền bị down báo về liên kết gãy từ các công cụ, tôi tham khảo thêm cả các máy chủ chuyên kiểm tra và lưu trữ tình trạng web, chụp ảnh giao diện web qua thời gian ví dụ như archive.org để phán đoán, thậm chí tôi đánh dấu lại, chờ một tuần để xem nó có chết thật không trước khi đưa ra biện pháp giải quyết cuối là chối bỏ liên kết.

Ở trong trường hợp của những người khác, tôi kể ra đây một tình trạng khá phổ biến: có rất nhiều người khi làm nội dung, cố gắng sử dụng các công cụ phân tích tối ưu onpage để xem rằng văn bản mình làm có thực sự tốt không, có thực sự chuẩn seo không từ mật độ từ khóa, độ dài ngắn, các thẻ Heading H1, H2, đến nhồi liên kết… Họ mất rất nhiều thời gian để làm việc này, và thậm chí văn bản bạn viết ra bị méo mó đến khủng khiếp. Đúng là đứng ở góc độ các máy chủ tìm kiếm, thì bạn đã làm rất tốt, nhưng bạn đã lãng phí hai thứ, thời gian và cảm giác tự nhiên của văn bản. Ở đây tôi không bàn đến việc là có nhiều người chuyên viết cho SEO, tất nhiên họ viết cả cho người đọc nữa, nên họ viết nhanh và tốt hơn, đúng chuẩn hơn…

Lại có khá nhiều người mà tôi từng làm việc cùng dùng công cụ SEO kiểm tra một website rồi rung đùi đắc ý bảo rằng, website nó không tối ưu, rằng thì là văn bản text bố trí không chuẩn, không nhắm từ khóa. Tôi mỉm cười bảo: thế làm sao mà nó đang đứng tận top 2, mà bài này là bài trải nghiệm mà em?! Chúng ta dùng công cụ để tối ưu, nhưng không phải tối ưu trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, có những thứ mà đôi khi ta quên mất, đó là phần cảm tính trong văn bản, thứ mà các công cụ bạn dùng khồng thể nào tìm ra được. Dùng công cụ thì vẫn phải dùng con mắt con người để nhìn vì website tốt, website hay, phải do con người tạo ra, máy móc không giúp bạn làm việc đó.


Công cụ SEO, sinh ra như bao nhiêu công cụ khác, để phục vụ cho con người, khiến công việc của chúng ta đơn giản hơn, tốn ít thời gian hơn, để đạt được những thành quả tốt hơn. Điều chúng ta cần là hiểu rõ, nắm bắt và điều khiển nó, chứ không phải phụ thuộc nhiều khi trở thành nô lệ của nó. 

1 nhận xét:

  1. Giá rẻ nhất- Hiệu quả tốt nhất – Xem ngay bảng giá Dịch vụ nhận SEO web từ khóa website chuyên nghiệp giá rẻ ở

    Trả lờiXóa